Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Tiền Tiến - TP Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Tiền Tiến

​​

          Trên địa bàn xã Tiền Tiến có 4 Miếu - Đình, 3 chùa, trong đó có 02 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia đó là Chùa Đồng Ngọ (Làng Cập Nhất), chùa Đồng Neo (Làng Cập Thượng), có 01 di tích xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh đó là Miếu - Đình làng Cập  Nhất. Các di tích trên địa bàn xã được quản lý và hoạt động bài bản, có sự hướng dẫn chu đáo, đúng với hướng dẫn chung của sở Văn hóa thể thao và du lịch. Các hoạt động lễ hội đều được các thôn có kế hoạch đăng ký từ đầu năm, trong lễ hội đảm bảo các yêu cầu về tín ngưỡng, mọi người dân đến lễ hội với tinh thần tự do tín ngưỡng, chấp hành tốt mọi nội quy của lễ hội, không để xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, không xảy ra tình trạng xấu ảnh hưởng an ninh trật tự.

Lịch sử chùa Động Ngọ (làng Cập Nhất, xã Tiền Tiến)


Là một ngôi chùa cổ tọa lạc tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (trước thuộc huyện Thanh Hà), thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Chùa Động Ngọ là một trong hai ngôi chùa cổ nhất của Hải Dương. Niêm đại chùa có hơn 1000 năm tuổi, trong chùa có nhiều cây cổ thụ có khoảng 600 đến 700 tuổi. Quốc sư Khuông Việt đã xây dựng chùa này vào năm 971 theo chiếu lệnh của vua Đinh Tiên Hoàng. Hiện nay chùa mang nhiều dấu ấn kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, thuộc hệ phái Bắc tông, là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Trước năm 1947, chùa có quy mô lớn. Nay nhỏ lại, bố cục vuông vắn, hình chữ quốc, mỗi mặt 5 gian. Đặc biệt là tòa Cửu phẩm vuông, hai tầng 8 mái, với 4 cột suốt, 12 cột con đỡ, 4 mái dưới, mái tầng trên đỡ thêm bởi 4 cột con.

Chùa Động Ngọ còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo bằng đá mới được xây dựng gần đây. Từ cuối thế kỷ XX, đại đức Thích Thanh Thắng, khi về trụ trì tại đây, đã đi khắp các vùng Bắc Bộ kiếm tìm những cối đá, trục đá, cầu đá, quả trục lăn lúa mang về chùa rồi sắp đặt thành các công trình đặc sắc. Nổi bật là bờ tường với chấn song trục đá; hai chiếc giếng tròn được trang trí bằng rất nhiều trục đá, cối đá trước sân chùa; cây cầu đá dài gần 3m; hành lang, lối đi bằng cối đá đủ các kích cỡ. Đặc biệt là tấm bản đồ Việt Nam dài 30m, rộng 10m được xếp bằng khoảng 300 cối đá trong khuôn viên chùa.

Chùa có 07 tấm bia cổ hai mặt khắc hai bài ký với hai niên đại sớm gồm: Lý Thái Bình (Lý Thánh Tông, 1054 – 1058, niên hiệu Long Thụy Thái Bình) và Đại Chính nguyên niên (Mạc Thái Tông, 1530). Ngoài ra có một bát hương năm Hoằng Định thứ 19 (1619).

Tấm bia “Kiến khai Cửu Phẩm Liên Hoa bi ký" có niên đại năm Chính Hòa thứ 13 (1692) (đời vua Lê Hy Tông), xác nhận niên đại của kiến trúc hiện thời, bia ghi.

* Tòa cửu Phẩm Liên Hoa


Cây Cửu Phẩm Liên Hoa hơn 320 năm tuổi là tác phẩm nghệ thuật giá trị và lâu đời nhất tại chùa hiện nay. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận tòa Cửu Phẩm Liên Hoa này là bảo vật quốc gia. Hiện nay tại Việt Nam chỉ tồn tại đúng ba tòa tháp Cửu phẩm liên hoa cổ bằng gỗ, hai tháp còn lại đặt tại chùa Giám (Hải Dương) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).

Cây Cửu Phẩm Liên Hoa đặt ở giữa lòng nội thất tòa (nhà) Cửu phẩm, cao 5m30, mặt cắt 6 cạnh đều, 8 tầng dưới, mỗi tầng cao đều 54 cm, tầng trên cùng cao 98 cm. 9 tầng, 6 mặt, mỗi mặt gắn 3 pho tượng nhỏ, tổng số tượng là 162 pho, năm 1989 còn 146 pho. Ba tượng nhỏ mỗi mặt gồm Phật A Di Đà ở giữa, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát, cũng có cạnh là tượng Phật A Di Đà và Văn Thù Bồ TátPhổ Hiển Bồ Tát. Các tượng có kích cỡ bằng bắp tay được tạo tác bằng gỗ, thếp vàng rất tinh xảo. Nhìn tổng thể, tòa cửu phẩm là một kiến trúc đặc sắc về thế giới Phật pháp vô biên, huyền diệu, tầng tầng lớp lớp.

Cây Cửu Phẩm Liên Hoa được đặt trên những chiếc chân cột đá hình hoa sen. Trước đây đài cửu phẩm có thể quay tròn quanh trục. Qua thời gian, đến nay đài cửu phẩm không còn quay được nữa.

 Lịch sử chùa Đồng neo (Làng Cập Thượng, xã Tiền Tiến).


Chùa Đồng Neo tọa lạc trên địa bàn thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Được xây dựng vào năm 1699, niên đại của chùa có hơn 300 tuổi. Đây là ngôi chùa cổ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa vào ngày 31/12/1997.

Sử sách ghi rằng mảnh đất nơi đây xưa kia là một dòng sông lớn bắt nguồn từ cửa Xà Lai - sông Thái Bình và đổ ra biển Đông qua Bến Trường, Bến Tràng. Năm 1527, vào thời Hậu Lê, nhận thấy đây là mảnh đất linh thiêng, nhân dân sở tại đã dựng lên ngôi chùa nhỏ với khung tre, lợp lá đơn sơ làm nơi thờ Phật với mục đích làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo cho nhân dân, qua đó giáo huấn cho mọi người biết ăn ở có đức, có nhân, làm điều lành, bỏ điều ác. Đến đời vua Lê Hy Tông năm thứ 10 - niên hiệu Chính Hòa (tức năm 1693), nhân dân đã phát tâm công đức xây dựng lại ngôi chùa và được giữ nguyên trạng cho đến ngày nay. Đến ngày nay, chùa đã có 33 vị sư trụ trì và hóa thân tại chùa. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, chùa đã có nhiều tên gọi khác nhau như : thủa khai sinh gọi là Linh ứng tự thuộc phủ Thanh Lâm. Tiếp đó là Đồng Neo Tự thuộc Cập Hiền Trang - phủ Nam Sách. Và ngày nay, được gọi là chùa Đồng Neo, thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Chùa được xây dựng theo kiến trúc : “Nội công ngoại quốc", nhà côn sơn đương tiện, lối kiến trúc cổ, hoa văn tinh xảo và độc đáo là kiến trúc đặc trưng của thời Hậu Lê. Ngôi Tam Bảo được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh có 7 gian tiền đường và 3 gian hậu điện. Vật liệu để dựng chùa là tường gạch Bát tràng cổ và cột chống, mái bằng gỗ. Tại 4 góc mái là bốn mái đao cong vút chạm trổ đầu rồng. Mái chùa được dựng với kiến trúc đặc trưng thời Hậu Lê đó là theo dạn thức bộ vì kiểu “chồng rường" và “thượng rường hạ bẩy". Hệ thống chịu lực gồm 2 hàng cột gỗ lim, đường kính 0,40m, đều được kê trên chân tảng đá. Lối kiến trúc truyền thống rường - bẩy đã tạo ra nhiều khoảng không gian nền cho nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian ở tất cả các chi tiết: đầu dư, dép hoành, thân bẩy, các bức cốn mê, cốn nách, xà rồng, cửa võng... thể hiện các đề tài trang trí : Rồng - phượng trong phong cách nghệ thuật hóa thân : các linh vật luôn hóa đổi thành chim muông, hoa lá, cùng cảnh sắc thiên nhiên phong vân vần vũ, góp phần bổ khuyết cho kiến trúc, đồng thời nâng cao giá trị mỹ thuật, tôn thêm vẻ uy linh, nghiêm cẩn nơi thánh thần ngự tọa - một đặc điểm của tư duy kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ : tự nhiên và cuộc sống luôn là đề tài chủ đạo cho mọi sáng tác nghệ thuật, nhất là nghệ thuật xây dựng các công trình kiến trúc tín ngưỡng. Trong ngôi Tam Bảo còn lưu giữ thờ tượng Phật vô cùng quý giá có từ thời Hậu Lê. Cách bài trí tượng thờ đặc trưng của các chùa miền bắc và sự kết hợp quan điểm Tam giáo đồng nguyên gồm 3 pho Tam Thế, tam Thánh Tây Phương, tượng Đức Bản Sư niêm hoa vi tiếu, tượng Di Lặc, tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế và Nam Tào Bắc Đẩu, tòa Cửu Long. Các đồ thờ trong chùa đều bằng gỗ và chạm khắc tinh xảo. Trong chùa có các hoành phi câu đối được chạm khắc tinh xảo như : đại tự “Hiển ứng linh", đại tự “Tuệ nhật viên dung"… có từ thời Nguyễn. Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ được hơn 100 bản khắc bằng gỗ mít gồm kinh Lăng Nghiêm và kinh Viên Giác. Sau chùa là 3 gian nhà Tổ, mới được trùng tu. Trước đây, vào thời kháng chiến chống Pháp nhà Tổ được kiến trúc theo hình chữ Nhị, nhưng đã được tháo dỡ 7 gian tiền đường để phục vụ kháng chiến. Hiện nay, trong nhà Tổ còn thờ tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và chư vị Tổ sư từng trụ trì tại chùa, đều là tượng cổ, điêu khắc độc đáo.

Ngoài ra chùa còn nhiều cổ vật quý giá được lưu giữ qua nhiều thế hệ như :

Thống đá đựng nước thời vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 23 tức năm Nhâm Ngọ (1702). Thống đá cổ này do một gia đình họ Nguyễn làm quan trong triều Lê về tiến cúng.

Chùa có chuông cổ ngày ngày vào lúc sớm chiêu, chiều mộ đều ngân vang, nhưng ít người được biết đến chuông được đúc từ thời Hậu Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 21 tức năm 1700. Hơn 300 năm nay, tiếng chuông chùa luôn gắn bó với dân làng cũng như những người con sống xa quê. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ các bia đá cổ :

- Bia đá Đồng Neo tháp, 4 mặt khắc chữ có từ năm 1679.

- Bia đá Linh ứng tự năm 1895.

- Bia đá Hậu Phật ký năm Duy Tân thứ năm (1911)

- Phía trước tháp chuông có một cây hương đài bằng đá cao 1,2m, có 4 cạnh rộng 0,18m có dòng chữ ghi : Lê triều Chính Hòa, nhị thập niên, Kỷ Mão phi việt cát nhật (nghĩa là năm 20 niên hiệu Chính Hòa 1699).

Ngoài những bảo vật bằng đá, bằng đồng, chùa còn có vườn tháp cổ như các tháp

- Tháp Minh Quang được xây bằng gạch 3 tầng, bia tháp ghi : Tự Đức thập nhất niên- năm Tự Đức thứ nhất (1864), là tháp thờ Hòa Thượng Thích Chiếu Khuông.

- Tháp Thiên quan bảo tháp bằng gạch 3 tầng xây dựng thời vua Minh Mệnh 1827.

- Tháp Phả Đồng Minh được xây dựng từ thời Nguyễn thờ 3 vị sư : Phổ Chiêu, Phổ Hiếu, Phổ Nghiêm.

- Tháp có giá trị nhất là Tịnh Minh tháp bằng đá 3 tầng được xây dựng năm Tân Dậu, đây là tháp thờ Hòa thượng Thích Tường Tường. Trên tháp có đôi câu đối :

“Huân lao tịnh nghiệp thiết lâm đài,

Lật ngật kình dương thành chế để"

Hoà thượng Thích Chiếu Khuông sinh năm Mậu Tuất (1778) vào niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 39, người quê Siêu Loại - phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh.) Thân mẫu là Nguyễn Thị Đàm ở làng Đông. Đến triều Cảnh Thịnh năm thứ 3 (1796), Hoà thượng cùng 18 người vào chùa Khánh Quang thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Lâm Tế đàng ngoài làm lễ thế phát xuất gia. Hoà thượng là cháu đời thứ 9 của Thiền sư Chuyết Chuyết. Hoà thượng là người thông minh, dĩnh ngộ không khác gì một tỵ Tổ, chay tịnh làm theo các điều răn dạy của Phật Tổ. Đến niên hiệu Bảo Hưng năm thứ nhất (1801), Hoà thượng đã thụ giới cụ túc. Sau đó, Hoà thượng về chùa Đồng Neo trụ trì. Hoà thượng đã tiến hành sửa chữa thượng điện, làm mới tượng Phật, làm nhà để chúng Tăng ở. Đến thời vua Tự Đức, Hoà thượng làm lại nhà Tổ, tạc tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma (vẫn còn thờ tại nhà Tổ ngày nay). Năm Giáp Tý - 1865, Hoà thượng lúc này đã 87 tuổi đời, 64 năm tuổi hạ công đức tu hành đã viên mãn. Nhằm ngày 15 tháng 2, Hoà thượng ngồi trên đàn trà tỳ, chúng Tăng vĩnh biệt Hoà thượng với lòng tôn kính vô biên. Hoà thượng đã thâu thần thị tịch nhập Niết Bàn. Đồ chúng đã cung nghinh xá lợi Hoà thượng nhập phù đồ.

Hàng năm, nhân dân Phật tử chùa Đồng Neo tưởng nhớ công đức của Giác linh Hoà thượng đối với Đạo pháp- Dân tộc đã tổ chức Lễ tưởng niệm để tri ân, báo ân đối với bậc Tổ sư cao Tăng đắc đạo.

​lịch sử Miếu - Đình làng Cập Nhất


Di tích Miếu - Đình Cập Nhất thuộc xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương còn có các tên gọi khác là Miếu - Đình Gọp hay Đền Cập Nhất. Di tích Miếu - Đình Cập Nhất có tổng diện tích là 1.690m2, bao gồm các hạng mục công trình: Đình, miếu, hai giải vũ và ngôi mộ thờ Thành hoàng Nguyễn Công Hoằng.

Trước đây, làng Cập Nhất có một ngôi đình và 02 ngôi miếu, đình thờ thân phụ và thân mẫu của 02 vị thành hoàng, một ngôi miếu thờ đức đệ Nhất Nguyễn Công Hoằng và ngôi miếu kia thờ đức đệ Nhị Nguyễn Công Lại. Do thời gian và chiến tranh, miếu thờ đức đệ Nhị Nguyễn Công Lại và Đình bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại ngôi miếu thờ đức đệ Nhất Nguyễn Công Hoằng ở vị trí như hiện nay. Những năm gần đây, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân ngày một cao và để tri ân, tưởng nhớ đến công lao, tài đức của các vị thành hoàng cùng thân phụ, thân mẫu có công sinh thành, dưỡng dục; nhân dân thôn Cập Nhất công đức xây dựng tòa nhà kiến trúc chữ đinh để phụng thờ đức đệ Nhị vào năm 1990 và đình thờ song thân (thời gian từ năm 2003-2011) hoàn thành, nằm trong khuôn viên đất của đức đệ Nhất xưa và nay.

Làng Cập Nhất trước đây có tên là Cập Huyền Trang, là vùng chiêm trũng được phù xa sông Thái Bình bồi đắp, nhiều dòng họ như họ Lê, Nguyễn, Mai, Đỗ, Phùng… đã đến đây khai hoang, lập ấp cùng quần cư, sinh sống và phát triển. Cập Nhất còn gọi là làng Gọp với ý nghĩa nhiều họ gọp lại mà tạo dựng lên làng. Do vậy Miếu - Đình Cập Nhất còn gọi là Miếu - Đình Gọp. Ngoài ra Miếu Cập Nhất còn gọi là Đền Cập Nhất( Tên gọi này được nhân dân địa phương gọi từ năm 1990 sau khi xây dựng tòa Đại bái (1988) để làm nơi hành lễ và tòa nhà chính thờ thành hoàng Nguyễn Công Lại nằm phía sau tòa nhà thờ Nguyễn Công Hoằng).

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 Miếu - Đình là nơi tổ chức phong trào quần chúng cách mạng họp bàn, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại làng Cập Nhất.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc "Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm", dưới sự chỉ đạo của Ủy ban cách mạng kháng chiến lâm thời huyện, di tích được chọn là địa điểm tổ chức các lớp bình dân học vụ, đồng thời vận động các thầy giáo và những người đã qua tiểu học thời pháp trực tiếp giảng dạy.

Khi thực dân pháp trở lại xâm lược năm 1946, nhân dân Cập Nhất đã dùng tre, gậy gộc rào và bảo vệ làng, tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng trước âm mưu quyết tâm xâm chiếm và đặt ách cai trị nên nhân dân ta, thực dân Pháp cho xe tăng, binh lính vào làng càn quét, chúng phá đình và truy tìm bộ đội, du kích địa phương.

Cuối năm 1946, sau khi pháp chiếm được thị xã Hải Dương, chúng cho lập các đồn, bốt tại cầu Lai vu, cầu Phố Lương để bình định và tiến hành các cuộc càn quét trên diện rộng, chiếm đóng huyện Kim Thành và Thanh Hà. Lúc này miếu thờ đức đệ Nhất vừa là nơi đóng quân vừa là hậu tuyến chăm sóc cán bộ, thương binh cho lực lượng bộ đội chống Pháp.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, miếu thờ đức đệ Nhất là địa điểm đóng quân của lực lượng pháo cao xạ, tiểu đoàn Ra đa phát tín hiệu nhận biết máy bay địch ném bom, để chiến đấu bảo vệ cầu Phú Lương.

Khoảng những năm 1960 - 1965, miếu thờ đức đệ Nhị là nơi chứa thóc của hợp tác xã Tiền Tiến.

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã; căn cứ vào thần tích - thần sắc do Chánh hội, Lý trưởng làng Cập Nhất kê khai năm 1938 hiện được lưu giữ tại Viện thông tin - Khoa học xã hội, hệ thống Bia ký, sắc phong, câu đối, đại tự hiện còn lưu giữ tại di tích và truyền ngôn trong nhân dân cho biết: Miếu Cập Nhất là nơi tôn thờ hai vị thành hoàng Nguyễn Công Hoằng và Nguyễn Công Lại, có công giúp vua Lý đánh giặc Tống đem lại thái bình cho đất nước vào thế kỷ thứ XI. Đình Cập Nhất thờ ông Nguyễn Công Vĩ và bà Trần Thị Vinh là thân phụ, thân mẫu của Nguyễn Công Hoằng, Nguyễn Công Lại.

Song thân của nhị vị thành hoàng là người trang Cập Nhất, sinh ra cuối thế kỷ thứ X, (nay là thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà), với đức tính hiền hậu, chịu thương, chịu khó làm ăn, sống chan hòa với người dân trong vùng. Khi trưởng thành, cơ duyên đến, họ thành vợ, thành chồng với nhau. Dù ăn ở phúc đức nhưng đến năm 30 tuổi vẫn chưa có con.

Một đêm vợ chồng ông Vĩ, bà Vinh nằm mơ thấy có hai chú tiểu đồng đi theo sau, khi ông quay lại hỏi nhưng cả hai tiểu đồng đều không trả lời. Bất chợt có một cụ lão râu tóc bạc phơ đứng bên trái nói: Hai chú tiểu đồng kia là phúc trời cho nhà ngươi về làm con, nói xong cụ già biến mất. Khi tỉnh dậy hai ông bà đều thấy làm lạ, từ hôm ấy bà thấy trong người khác thường, rồi có mang, đủ ngày, đủ tháng bà sinh hạ được hai người con trai dung mạo khôi ngô, tuấn tú, nhìn giống hai chú tiểu đồng trong giấc mộng kỳ lạ báo trước. Ông bà vui mừng khôn siết, chăm chút cho ăn học, nhưng lạ thay cả hai đều chỉ thích học võ nghệ và rèn luyện binh thư.

Đời vua Lý Công Uẩn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 10 có giặc tống sang sâm lược nước ta, nhà vua truyền gọi quân dân cùng ra sức đánh giặc giữ nước. Hai anh em Công Hoằng đương tuổi thanh niên thấy đất nước trong cảnh lâm nguy liền thưa với mẹ cha muốn lên đường đánh giặc, vừa để đáp lại công ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục, vừa để báo đền nợ nước. Được cha mẹ đồng ý, hai anh em xin vào cung ứng thí, trước sân rồng, nhà vua hỏi tuổi tác, quê quán và cho hai người được thử tài thao lược. Nhận thấy hai anh em vừa có uy dũng lại có tài võ nghệ, nhà vua liền thu nhận và phong cho làm tướng tiên phong để cùng ba vị đình thần là Hoằng Công, Huệ Công, và Đỗng Công cầm quân đánh giặc. Tướng tiên phong Nguyễn Công Hoằng chỉ huy đánh thẳng vào nơi giặc đóng quân, các tướng còn lại có trách nhiệm yểm trợ Nguyễn Công Hoằng và tổ chức bao vây giặc từ 4 phía để tạo thế mạnh như chẻ tre, tiếng vang như chớp giật. Cuộc quyết chiến đã giết được 8 tướng giặc nhưng tướng Nguyễn Công Hoằng bị thương ở đầu và cổ, thấy chủ tướng bị thương, ngựa cõng người trên lưng chạy đến trang Cập Nhất gặp người dân nơi đây ông bèn hỏi rằng "Từ xưa đến nay có ai bị giặc chém vào đầu mà vẫn cưỡi ngựa chạy được?" Người dân đồng thanh trả lời, đó là bậc thiên tài, người trần rất hiếm có, nghe rứt câu, một tay giữ đầu và tiếp tục cho ngựa chạy về đến phía Tây của làng thì trời đất tối sầm, mưa to gió lớn nổi lên, người ngựa cùng hóa. Khi trời quang mây tạnh, người dân thấy chỗ ông hóa nổi lên một gò đất cao nên dân làng gọi là Đống Mả thánh, hôm ấy là ngày 26 tháng 3 Âm lịch.

Ông Nguyễn Công Lại, sau khi thắng trận trở về, ông cùng 3 ông Hoằng Công, Huệ Công và Đỗng Công được nhà vua cho trở lại trang Cập Nhất để mở tiệc khao thưởng quân sĩ. Đến nơi các ông thăm viếng ông Nguyễn Công Hoằng, khi trở ra đến giữa làng (gần mộ ông Hoằng) bỗng mây đen kéo đến, trời đất nổi trận cuồng phong. Sau khi trời quang mây tạnh, các ông không thấy ông Nguyễn Công Lại đâu mà nhìn xung quanh chỉ thấy gò đất lớn có thổ trùng đang bồi đắp.

Thấy sự lạ, nhân dân trong làng làm biểu tâu Vua, đức vua vô cùng thương tiếc hai vị tướng tài, mưu lược, vì dân vì nước bèn cho lập miếu thờ, ban cho nhân dân trang Cập Nhất 40 quan tiền để hương hỏa phụng thờ hàng năm. Với công lao to lớn hai ông được nhân dân địa phương suy tôn làm Thành hoàng làng Cập Nhất.

Ngày nay người dân làng Cập Nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không ngừng xây dựng quê hương giàu đẹp, đổi mới, văn minh. Nhớ đến công lao của Nhị vị Thành hoàng và công dưỡng dục của cha mẹ hai ông, nhân dân địa phương với lòng tôn kính, tri ân công đức của đấng sinh thành, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây đã tôn tạo lại ngôi Đình để thờ song thân của hai ông.

Lễ hội Miếu – Đình Cập Nhất thường diễn ra trong vòng 3 ngày từ 25-27 tháng Ba (tưởng niệm ngày hóa của Đức Thành hoàng Nguyễn Công Hoằng), lễ hội được tổ chức trang trọng, quy củ, bảo đảm cả phần lễ và phần hội. Trọng hội vào ngày 26, ngày nay các lễ nghi, vật phẩm dâng cúng đức thành hoàng cũng được giảm tiện hơn để phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân địa phương và các quy định của nhà nước về xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, tránh sự lãng phí.

Di tích Miếu - Đình Cập Nhất hiện tại di tích còn lưu giữ nhiều cổ vật và di vật có giá trị như: 04 ngai và bài vị thờ Thành hoàng, 01 kiệu bát cống, 07 bia đá và 06 sắc phong có niên đại vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Ngoài ra còn một số đồ thờ tự do nhân dân mới cung tiến.



Di tích Miếu - Đình Cập Nhất là minh chứng cho những giá trị văn hóa truyền thống về các tập tục, nghi lễ, sự lệ diễn ra hàng năm tại đây. Không chỉ vậy di tích còn trở thành trung tâm tín ngưỡng của cộng nhân dân địa phương, nơi mà những huyền thoại, sự tích về các vị thành hoàng làng đang được cộng đồng nhân dân lưu giữ, kể lại cho nhau nghe để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ các vị thành hoàng có công đánh giặc, cứu nước, yên dân. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp đó được lưu truyền qua các thế hệ để gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử vùng đất, di tích và nhân vật được phụng thờ.

Những sự kiện có liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đến việc xóa mũ chữ cho cộng đồng nhân dân đã từng diễn ra tại di tích là dấu ấn về sự quan tâm, chung sức đồng lòng để người dân địa phương nâng cao nhận thức đi theo cách mạng, theo đảng đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Thông qua lịch sử hình thành và phát triển của di tích Miếu – Đình Cập Nhất,  các cấp, các ngành, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay sẽ có được cái nhìn toàn diện để trân trọng quá khứ, từ đó thêm yêu quê hương, yêu di sản và con người nơi đây từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích Miếu – Đình Cập Nhất cùng nguyện vọng tha thiết của nhân dân và chính quyền địa phương, ngày 22/01/2019 Chủ tịch UBND Tỉnh Hải Dương đã ký quyết định xếp hạng di tích Miếu - Đình Cập Nhất là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhân dân địa phương vô cùng phấn khởi tự hào về giá trị  lịch sử văn hóa Miếu - Đình Cập Nhất cũng như mảnh đất, con người Tiền Tiến giàu truyền thống. ​

Hoạt động Tín ngưỡng, Tôn giáo trên địa bàn xã Tiền Tiến diễn ra ổn định, không xảy ra vấn đề gì ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Đảng, Chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hiệu quả thiết thực, tạo sự gắn bó mật thiết, giữa Đảng, Chính quyền và nhân dân trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tập trung vào việc hoàn thiện các tổ chức bộ máy tín ngưỡng, tôn giáo, nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật. Việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định trong khuôn khổ của pháp luật. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm đều có kế hoạch đăng ký mọi hoạt động với chính quyền, đảm bảo thực hiện đúng nội dung, thời gian, địa điểm, quy mô đã đăng ký.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chấp hành tốt quy định của pháp luật, phát hiện và giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị, những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân theo đạo và các chức sắc, góp phần làm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.